Tin tức -Sự kiện

Chúng ta đang lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình

Ngày đăng: 19/03/2018 -10:34:11 AM

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây…” 
Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, phải chăng tiếng gọi từ biển Đông ngàn đời thân thiết, gắn bó với bao thế hệ người Việt chính là tiếng lòng ta thôi thúc, giục giã tự bên trong, mạnh mẽ, cuồn cuộn và linh thiêng hồn nước? Đối với mỗi người dân ta, biển đảo là không gian sinh tồn của dân tộc, là một phần máu thịt của Tổ quốc “Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau” . Lịch sử đấu tranh gìn giữ mảnh đất cha ông sáng ngời những trang hào hùng hy sinh máu xương cho từng gợn sóng, từng ghềnh đá Việt Nam, trong đó, chúng ta không bao giờ quên trận chiến Gạc Ma năm 1988. Sáng sớm ngày 14 tháng 3 năm ấy, trận hải chiến bi thương và oanh liệt chống quân Trung Quốc nơi đảo đá Trường Sa đã lấy mất đi của ta 64 chiến sĩ đôi mươi, mười chín tràn trề nhựa sống, ăm ắp ước mơ. Trận chiến ấy khắc vào hàng triệu trái tim Việt Nam nỗi xót xa, căm uất, nhưng cũng đồng thời khơi dậy trong ta niềm tự hào về sự quả cảm của người lính khi đất nước lâm nguy, đốt cháy thêm ngọn lửa tình yêu trong mỗi người dân đối với từng tấc đất, ngọn sóng của mình. Để ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, nâng cao trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng tại xã Cam Hải, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân cả nước. Ngay sau khi khánh thành giai đoạn một ngày 15 tháng 7 năm 2017, nơi này trở thành một “địa chỉ đỏ” cho thân nhân liệt sĩ và hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước viếng thăm, bày tỏ niềm cảm phục, sự thành kính trước hương hồn tử sĩ. 
Hòa trong dòng người tri ân các chiến sĩ Gạc Ma, sáng 17 tháng 3 năm 2018, đoàn cán bộ lãnh đạo và giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang do cô Nguyễn Thị Hằng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường - làm trưởng đoàn đã dâng hương tưởng nhớ 64 anh hùng trước cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” cùng biểu tượng “Vòng tròn bất tử”. Lời Quốc ca chan hòa ánh nắng sớm rực rỡ bao quanh thân tượng uy nghiêm, khói hương trầm quấn quanh những khuôn mặt, dáng hình các anh trong tư thế dựa vào nhau thành khối tròn đối mặt với quân thù, sẵn sàng hy sinh thân mình giữ vững lá cờ đất nước đã tạo thành những hình ảnh bi tráng, tác động mạnh mẽ tới cảm xúc của tất cả mọi người. Tới bảo tàng ngầm trong khu tưởng niệm, đoàn người viếng thăm vừa ngưỡng mộ lòng quả cảm, vừa đau xót trước mất mát hy sinhcủa các chiến sĩ khi nghe tường thuật sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988, lặng người trước di ảnh 64 người lính trai trẻ đến từ nhiều miền quê đất nước nhưng đều nằm lại nơi lòng biển sâu, thành kính chiêm ngưỡng công trình 64 bông hoa muống biển lớn quây tròn trong hồ nước như một biểu tượng tâm linh đẹp đẽ để rồi vỡ òa cảm xúc nơi bia mộ gió của các anh. Những giọt nước mắt thay khói nhang cài lên bia mộ chỉ có những dòng tên tuổi, quê quán đơn sơ của người đang ở nơi đại dương sâu thẳm gợi lên câu hát bi hùng “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông” .
Rời khu tưởng niệm, đoàn tham quan của Nhà trường đến thăm Vùng 4 Hải quân. Đoàn được Đại tá Ngô Mậu Bình - Phó Chủ nhiệm chính trị và các đồng chí trong Ban Tuyên huấn Vùng 4 Hải quân đón tiếp chu đáo, được cung cấp thông tin cập nhật về tình hình biển đảo và tham quan Phòng truyền thống của Bộ Tư lệnh vùng. Nhìn thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại trong khu quân sự, nhất là được ra cầu cảng tận mắt chiêm ngưỡng các tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Nhân dân Việt Nam, mỗi thành viên của đoàn tham quan đều hết sức tự hào, tin tưởng vào sức mạnh và truyền thống chiến đấu anh dũng, vẻ vang của những người lính biển. Hình ảnh các anh chiến sĩ Trường Sa bình dị ngồi gói bánh chưng đón Tết bằng lá bàng vuông trên đảo trong tấm ảnh ở Phòng truyền thống gợi lên bao cảm xúc đẹp đẽ, lạc quan nhưng mỗi người xem đều ý thức rằng, đằng sau đó là ý chí, là nghị lực phi thường của những người lính đảo nói riêng, chiến sĩ Hải quân và quân đội ta nói chung để thực hiện lời dạy của Bác: “…Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”.
Chuyến tham quan khu tưởng niệm Gạc Ma và Vùng 4 Hải quân kết thúc bằng hành trình trở lại trường để chuẩn bị cho tuần công tác mới, nhưng lại mở ra một hành trình khác trong tâm tưởng mọi người: đồng hành cùng toàn dân tộc trong công cuộc đấu tranh giữ gìn biển đảo quê hương như một cách tri ân anh linh các liệt sĩ đã nằm xuống. Tổ quốc gọi tên mình, xin hãy lắng nghe! 
“Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng
Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa
Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe
Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình..” .
 
Một số hình ảnh của chuyến thăm Khu tưởng niệm Gạc Ma và Vùng 4 Hải quân
sptwnt
Hát Quốc ca trước tượng đài chiến sĩ tại Khu tưởng niệm Gạc Ma
sptwnt
Trong bảo tàng ngầm, nơi trưng bày hình ảnh, tư liệu về sự kiện 14.3.1988 và di ảnh các liệt sĩ Gạc Ma
sptwnt
Trước tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời"
sptwnt
Nghe thời sự về tình hình biển đảo trong Hội trường Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân
sptwnt
Trước Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân
sptwnt
Trước mô hình cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa
(Bài viết có sử dụng nội dung bài thơ "Tổ Quốc gọi tên" - tác giả Nguyễn Phan Quế Mai)

Người đưa tin: Lê Thị Kim Phượng

Tin cùng loại